Get In Touch
Saigon Paragon 2nd Floor, 3 Nguyen Luong Bang St., Dist 7 Ho Chi Minh, Vietnam
let-talk@wbl.group
Join with us
join-us@wbl.group
Ph: +84372556675
Back

CHU KÌ VÒNG ĐỜI DOANH NGHIỆP – Lý thuyết Adizes

Chu kì vòng đời của doanh nghiệp từ khi thành lập đến lúc kết thúc.

Bạn có bao giờ tò mò về hành trình phát triển đầy thăng trầm của một doanh nghiệp? Từ những ngày đầu tiên ấp ủ ý tưởng, đến giai đoạn bùng nổ doanh thu, rồi cả những thời kỳ chững lại hay thậm chí là suy thoái… Tất cả dường như đều tuân theo một quy luật nhất định, một “vòng đời” mà mọi tổ chức đều trải qua.

Theo Ichak Adizes, một chuyên gia hàng đầu thế giới về quản lý và phát triển tổ chức, ông là là nhà tư vấn quản lý toàn cầu, học giả và tác giả nổi tiếng với những đóng góp cho sự phát triển của tổ chức và vòng đời của công ty. Ông đồng thời là người sáng lập và Giám đốc điều hành của Viện Adizes, nơi ông đã phát triển Phương pháp cộng sinh Adizes. Adizes cho rằng mỗi công ty đều trải qua 10 giai đoạn phát triển khác nhau, tương tự như vòng đời của một con người.

Việc nắm vững những giai đoạn này không chỉ giúp những nhà lãnh đạo, những người xây dựng doanh nghiệp – hiểu rõ hơn về “sức khỏe” hiện tại của tổ chức mà còn trang bị kiến thức để lường trước những thách thức tiềm ẩn và đưa ra những quyết định sáng suốt, đảm bảo sự phát triển bền vững cho tương lai.

Hãy cùng WBL khám phá chi tiết từng chặng đường trong vòng đời của một doanh nghiệp này để có thể tìm ra những phương án thích nghi phù hợp với từng chặng phát triển.

chu kì vòng đời doanh nghiệp
Chu kì vòng đời của doanh nghiệp theo Adizes

1/ Chu kì vòng đời doanh nghiệp trong giai đoạn tăng trưởng

Giai đoạn 1: Tán tỉnh (Courtship) – Khi giấc mơ bắt đầu được hiện thực hóa.

Đây là giai đoạn sơ khai, nơi ý tưởng kinh doanh mới chỉ là những phác thảo trong tâm trí của nhà sáng lập (founder). Họ tràn đầy nhiệt huyết, vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp về tương lai của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn không tránh khỏi những lo lắng về rủi ro và những khó khăn tiềm ẩn.

Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn này:

  • Nhiệt huyết cao: Founder tràn đầy đam mê và niềm tin vào ý tưởng của mình.
  • Lên kế hoạch: Bắt đầu phác thảo những bước đi đầu tiên, nghiên cứu thị trường sơ bộ.
  • Lo lắng tiềm ẩn: Vẫn còn những nghi ngại về khả năng thành công và những rủi ro có thể xảy ra.

Giai đoạn kết thúc: Khi một nhà sáng lập đưa ra quyết định dứt khoát, cam kết toàn bộ tâm huyết và chấp nhận mọi rủi ro để biến ý tưởng thành hiện thực.

Nguy cơ tiềm ẩn: Nếu sự do dự kéo dài, kế hoạch mãi chỉ nằm trên giấy và ý tưởng không bao giờ được triển khai.

Ở giai đoạn này, việc nghiên cứu thị trường để có thể đưa ra những phân tích sâu sắc, thấu hiểu thị trường và khách hàng là rất quan trọng vì nó sẽ định hướng tầm nhìn, hướng đi và hoạt động cụ thể của công ty sau này. Việc nghiên cứu thị trường nếu được tiến hành một cách cẩn thận và nghiêm túc, và sẽ tốt hơn nếu được tiến hành bởi các đơn vị uy tín sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi bắt đầu tiến hành vận hành doanh nghiệp của mình.

STARTUP

Giai đoạn 2: Thời kỳ sơ sinh (Infancy) – Những bước chân đầu tiên của doanh nghiệp.

Ý tưởng giờ đây đã trở thành hiện thực. Doanh nghiệp bước vào giai đoạn tập trung cao độ vào việc tạo ra những doanh số đầu tiên, khẳng định sự tồn tại trên thị trường. Mọi nguồn lực dường như dồn vào việc sống sót.

Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn này:

  • Hành động nhanh: Ưu tiên tốc độ và sự linh hoạt để thích ứng với thị trường.
  • Thiếu quy trình: Mọi thứ còn khá hỗn loạn, chưa có các quy trình bài bản.
  • Founder đa năng: Nhà sáng lập thường phải đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau.

Thách thức chủ yếu: Duy trì dòng tiền ổn định để trang trải các chi phí hoạt động và giải quyết những vấn đề phát sinh hàng ngày.

Nguy cơ tiềm ẩn:

  • Thiếu doanh số: Không tạo ra đủ doanh thu để duy trì hoạt động.
  • Founder bỏ cuộc: Áp lực quá lớn dễ khiến nhà sáng lập nản lòng.
  • Mắc kẹt: Doanh nghiệp không thể vượt qua giai đoạn sơ khai để phát triển.

Giai đoạn 3: Tuổi nổi loạn (Go-Go) – Tăng trưởng vượt bậc nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Đây là giai đoạn mà doanh nghiệp chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng, mở ra nhiều cơ hội mới. Sự lạc quan và tự tin lan tỏa khắp tổ chức. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh cũng tiềm ẩn những thách thức, rủi ro phía sau.

Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn này:

  • Tăng trưởng nhanh: Doanh số và quy mô nhân sự tăng lên đáng kể.
  • Lạc quan và tự tin: Cảm giác thành công và khả năng chinh phục mọi thử thách.
  • Doanh nghiệp tiếp nhận nhiều việc: Dễ dàng bị cuốn vào những cơ hội mới mà quên đi định hướng ban đầu.
  • Mất tập trung: Khó giữ vững trọng tâm vào những mục tiêu cốt lõi.

Thách thức chủ yếu: Quản lý sự tăng trưởng quá nhanh, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận và duy trì chất lượng sản phẩm/dịch vụ.

Nguy cơ tiềm ẩn: Founder dễ bị quá tải công việc nếu không chịu ủy quyền, dẫn đến những quyết định thiếu sáng suốt và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.

Giai đoạn 4: Tuổi thiếu niên (Adolescence) – Uỷ quyền cho cấp dưới và rủi ro xung đột đường hướng phát triển.

Khi doanh nghiệp đạt đến một quy mô nhất định, việc chuyển giao quyền lực cho đội ngũ quản lý chuyên nghiệp trở nên cần thiết. Giai đoạn này thường đi kèm với những thay đổi về cơ cấu tổ chức và có thể xuất hiện những xung đột giữa nhà sáng lập và đội ngũ quản lý mới.

Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn này:

  • Chuyển giao quyền lực: Founder bắt đầu giao bớt quyền điều hành cho các nhà quản lý chuyên nghiệp.
  • Tái cấu trúc: Tổ chức có thể trải qua những thay đổi về cơ cấu, quy trình làm việc.
  • Xung đột: Có thể xảy ra những bất đồng về quan điểm, đường hướng phát triển giữa founder và quản lý.
  • Mất phương hướng tạm thời: Doanh nghiệp có thể cảm thấy mơ hồ và hành động không chắc chắn trong quá trình thay đổi.

Thách thức chủ yếu: Xây dựng các quy trình làm việc hiệu quả, thiết lập các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động và thống nhất tầm nhìn chung cho toàn bộ tổ chức.

Nguy cơ tiềm ẩn: Những nhà quản lý giỏi có thể rời đi nếu không tìm được tiếng nói chung, hoặc founder có thể quyết định nghỉ hưu hoặc bán công ty.

stability sự ổn định

Giai đoạn 5: Thời kỳ phát triển cực thịnh (Prime) – Doanh nghiệp đạt đến đỉnh cao về sự ổn định và phát triển trên thị trường.

Đây là giai đoạn mà doanh nghiệp đã trưởng thành, mọi thứ gần như đi vào quỹ đạo ổn định. Các phòng ban phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hoạt động và tinh thần làm việc của nhân viên tăng cao.

Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn này:

  • Kỷ luật: Các quy trình và hệ thống được thiết lập và tuân thủ nghiêm ngặt.
  • Đổi mới: Doanh nghiệp vẫn duy trì sự năng động và không ngừng tìm kiếm những cơ hội phát triển mới.
  • Hiệu quả cao: Năng suất làm việc và hiệu quả kinh doanh đạt mức tối ưu.
  • Năng lượng dồi dào: Tinh thần làm việc tích cực và sự gắn kết cao trong toàn bộ tổ chức.

Thách thức chủ yếu: Duy trì sự năng động và khả năng đổi mới, đồng thời tìm kiếm và phát triển những nhân tài kế cận.

Nguy cơ tiềm ẩn: Doanh nghiệp dễ trở nên tự mãn với những thành công hiện tại và ngủ quên trên chiến thắng, không cập nhật các thông tin mới từ đó bỏ lỡ những thay đổi của thị trường.

2/ Chu kì vòng đời doanh nghiệp trong giai đoạn suy giảm

Giai đoạn 6: Ổn định (Stability) – Dấu hiệu của sự chững lại.

Ở giai đoạn này doanh nghiệp đã trở thành một ông lớn trên thị trường, thậm chí là dẫn đầu ngành so với các đối thủ. Tuy nhiên, động lực phát triển bắt đầu suy giảm, sự tập trung chuyển dần sang việc duy trì lợi nhuận ngắn hạn.

Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn này:

  • Chú trọng lợi nhuận ngắn hạn: Ưu tiên các hoạt động mang lại lợi nhuận nhanh chóng.
  • Ít đầu tư vào R&D: Giảm bớt sự quan tâm đến nghiên cứu và phát triển sản phẩm/dịch vụ mới.
  • Chậm thích ứng: Khả năng phản ứng với những thay đổi của thị trường trở nên chậm chạp hơn.

Thách thức chủ yếu: Duy trì sự đổi mới và tránh rơi vào bẫy tăng trưởng, thu hẹp hoạt động tại vùng an toàn, sự trì trệ trong bộ máy doanh nghiệp.

Hướng đi: Nếu không có những chiến lược đón đầu thách thức và tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, doanh nghiệp có nguy cơ bước vào giai đoạn suy thoái.

Giai đoạn 7: Quý tộc hóa (Aristocracy) – Doanh nghiệp tạo vùng ngăn cách và đánh mất sự kết nối.

Đây là giai đoạn doanh nghiệp trở nên bảo thủ, ngại thay đổi và tiếp tục đi theo con đường thành công trong quá khứ che lấp những vấn đề và sự đổi mới hiện tại. Sự kết nối giữa doanh nghiệp với thị trường và khách hàng dần bị lỏng lẻo.

Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn này:

  • Bảo thủ: Kháng cự lại những ý tưởng mới và sự thay đổi.
  • Ngại thay đổi: Ưa thích sự ổn định và những phương pháp làm việc cũ theo lối mòn.
  • Dựa vào thành công trong quá khứ: Chỉ tập trung đi vào đường hướng phát triển kiểu cũ mà bỏ qua những vấn đề cần xem xét của thị trường hiện tại.
  • Mất kết nối với thị trường: Không còn nhạy bén với những nhu cầu và đón đầu xu hướng mới của khách hàng.
  • Thưởng lớn cho lãnh đạo: Ưu tiên lợi ích trước mắt của ban lãnh đạo công ty hơn là đầu tư vào sự phát triển dài hạn bền vững.
  • Ít đầu tư vào sáng tạo: Doanh nghiệp lúc này thiếu đi sự khuyến khích và nguồn lực dành cho những ý tưởng đột phá mới.

Thách thức chủ yếu: Thay đổi tư duy làm việc của đội ngũ lãnh đạo và nhân viên, tái tạo động lực và tinh thần đổi mới cho toàn bộ tổ chức.

Hậu quả: Doanh nghiệp bắt đầu mất dần khách hàng do sự tự mãn và không còn đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Giai đoạn 8: Đổ lỗi (Recrimination) – Nội bộ xảy ra các tranh chấp và chia rẽ.

Khi lợi nhuận công ty bắt đầu suy giảm rõ rệt, nội bộ doanh nghiệp trở nên lục đục. Thay vì cùng nhau tìm giải pháp, mọi người bắt đầu đổ lỗi cho nhau và tìm kiếm người chịu trách nhiệm. Điều này khiến cho nội bộ công ty bị chia rẽ, từ đó mất đoàn kết và đi đến đổ vỡ.

Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn này:

  • Lợi nhuận giảm: Kết quả kinh doanh đi xuống rõ rệt từng quý, đánh mất thị phần vào tay các đối thủ.
  • Nội bộ lục đục: Xảy ra những mâu thuẫn và tranh cãi giữa các bộ phận, cá nhân. Các quản lý cấp cao liên tục tìm lý do đổ lỗi cho các sai lầm kinh doanh của công ty.
  • Đấu đá nội bộ: Môi trường làm việc trở nên căng thẳng và thiếu hợp tác. Khiến tinh thần làm việc của toàn thể nhân viên lao dốc, mọi công việc trở nên nhàm chán và mang tính chất đối phó.
  • Cắt giảm chi phí sai cách: Thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí một cách vội vã và thiếu chiến lược, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm/dịch vụ. Hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền khiến cho tình hình càng lúc tệ hơn.

Hậu quả: Những nhân tài bắt đầu rời bỏ công ty, khách hàng cảm thấy không hài lòng với sản phẩm/dịch vụ và uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giai đoạn 9: Quan liêu hóa (Bureaucracy) – Sự áp đặt về các quy trình và luật lệ rườm rà.

Vào giai đoạn Bureaucracy một CEO mới hoặc quản lý mới thường được đưa về để ổn định tình hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự ưu tiên quá mức vào quy trình và kiểm soát có thể kìm hãm sự sáng tạo và làm mất đi động lực của nhân viên. Khiến môi trường sáng tạo giờ đây dọn chỗ cho kỷ luật.

Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn này:

  • CEO/quản lý mới: Thường là người có kinh nghiệm trong việc tái cấu trúc và ổn định tổ chức.
  • Ưu tiên quy trình và kiểm soát: Tập trung vào việc thiết lập các quy tắc và hệ thống kiểm soát chặt chẽ ở các khâu và phòng ban.
  • Sáng tạo bị kìm hãm: Môi trường làm việc trở nên cứng nhắc, ít khuyến khích những ý tưởng mới, tận dụng những cái cũ và hạn chế đầu tư phát triển.
  • Nhân sự giỏi bỏ đi: Những người có năng lực và tinh thần sáng tạo cảm thấy bị gò bó và tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.
  • Văn hóa công ty tiêu cực: Môi trường làm việc trở nên căng thẳng, thiếu sự tin tưởng và hợp tác giữa nhân viên và quản lý.

Hậu quả: Doanh nghiệp đánh mất khả năng cạnh tranh do không còn nhạy bén với thị trường và không tiếp thu ý kiến của khách hàng. Nhân viên mất động lực làm việc và không còn cảm thấy gắn bó với công ty.

Giai đoạn 10: Cái chết (Death) – Điểm kết thúc của một doanh nghiệp.

Đây là giai đoạn cuối cùng, khi doanh nghiệp không còn khả năng tạo ra lợi nhuận và duy trì hoạt động. Hầu hết sẽ bắt đầu quá trình phá sản và rao bán các tài sản của công ty để thanh toán các hóa đơn và khoản vay trước đây. Nhân viên nghỉ việc hàng loạt và các quản lý cũng rời đi.

Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn này:

  • Không còn lợi nhuận: Hoạt động kinh doanh thua lỗ kéo dài hầu như lợi nhuận bằng 0.
  • Thu hẹp quy mô: Bán bớt tài sản, cắt giảm nhân sự.
  • Nhân viên rời đi: Những người còn lại mất niềm tin và tìm kiếm công việc mới.

Kết thúc: Công ty ngừng hoạt động khi cạn kiệt nguồn lực.

điểm kết thúc của doanh nghiệp

3/ Hiểu rõ chu kì vòng đời doanh nghiệp để dự đoán được các khó khăn và tránh khỏi những sai lầm.

Vòng đời doanh nghiệp không phải là một đường thẳng đơn giản mà là một chu kỳ phức tạp với những thách thức và cơ hội riêng ở mỗi giai đoạn. Việc nhận diện chính xác giai đoạn mà doanh nghiệp của bạn đang trải qua là bước đầu tiên để đưa ra những quyết định phù hợp, xây dựng chiến lược hiệu quả và đảm bảo sự phát triển bền vững.

Hãy nhớ rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng trải qua tất cả các giai đoạn này một cách tuần tự. Một số có thể nhảy cóc tiến tới các giai đoạn phát triển phía trước, trong khi những doanh nghiệp khác có thể mắc kẹt ở một giai đoạn nào đó quá lâu. Quan trọng là phải luôn tỉnh táo, linh hoạt và sẵn sàng thích ứng với những thay đổi để đưa doanh nghiệp của bạn vượt qua mọi giông bão và vươn tới những đỉnh cao mới.

Kết luận

Hiểu rõ chu kì vòng đời doanh nghiệp là yếu tố then chốt giúp các nhà quản lý dự đoán và đối phó hiệu quả với những khó khăn tiềm tàng, từ đó tránh được các sai lầm có thể gây tổn thất nghiêm trọng. Mỗi giai đoạn trong chu kỳ – từ khởi nghiệp, tăng trưởng, đến phát triển, bão hòa, suy thoái đến tái cấu trúc hoặc đóng cửa – đều đi kèm với những thách thức và cơ hội riêng biệt.

Việc xác định chính xác giai đoạn hiện tại của doanh nghiệp không chỉ giúp các nhà lãnh đạo đưa ra các quyết định chiến lược phù hợp mà còn hỗ trợ xây dựng kế hoạch dài hạn, tối ưu hóa nguồn lực và giảm thiểu rủi ro. Bằng cách nắm bắt đặc điểm của từng giai đoạn, doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh chiến lược, tận dụng cơ hội tăng trưởng và đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Leave a Reply

Our website use cookies for enhanced your browsing experience - Read our Cookie Policy